Tôi chụp, Tôi viết, Tôi tư duy & cách duy trì sự sáng tạo trong nhiếp ảnh.

“Một bức ảnh nói lên được điều mà 1000 từ không thể diễn tả hết”.

Châm ngôn này có lẽ vẫn đúng cho đến khi thời đại bùng nổ Internet và mass media đặt dấu chấm hết cho việc chúng ta chỉ tiếp nhận thông tin đơn chiều. Đã qua rồi cái thời truyền hình và báo chí chính thống là nguồn cung cấp tin tức duy nhất. Ngày nay, Facebook, Instagram và các kênh mạng xã hội cho chúng ta cơ hội tiếp cận hàng triệu lượt hình ảnh, video mỗi ngày. Tất lẽ dĩ ngẫu là nếu bạn chỉ đăng 1 bức ảnh, nó sẽ chìm nghỉm trong đại dương của muôn vàn tấm hình khác.

Để bức ảnh bạn khác biệt, lần này bạn sẽ cần sự hỗ trợ từ 1000 từ. Ồ, mình không có ý nói là phải đủ 1000 từ đâu nha :)) Thời thế nay đã khác, hình và chữ là “cặp đôi vàng” nhằm đưa work của bạn khắc ghi trong tâm trí người thưởng thức hoặc khách hàng. Mở rộng ra, để duy trì sức sáng tạo khithực hành nghệ thuật, việc đẩy giới hạn tư duy xa hơn yếu tố kĩ thuật, kĩ năng là tất yếu.

Vậy mình làm thế nào để giữ lửa sáng tạo? Thú thật là chẳng có gì cao siêu, cùng tìm hiểu nhé 😉

1. VIẾT

Hầu như với mọi session mình thực hiện, việc viết lại trải nghiệm, cảm xúc và những key take-outs là check-list bắt buộc. Việc ghi lại bằng câu chữ giúp mình kết nối thêm một tầng sâu sắc hơn với chủ thể và câu chuyện mình chụp. Có những trường cảnh mà việc dàn trải một chuỗi ảnh đôi khi vẫn chưa khiến người xem hiểu, thì có thêm đôi dòng chú thích hẳn là thêm phần hữu ích. 

Viết cũng là cách mình self-reflect (tự soi chiếu lại) những gì đã học được. Bạn nghe, bạn nhớ. Bạn viết, bạn sẽ nghiền ngẫm và thấm sâu hơn. Không ngạc nhiên khi khoảng thời gian mình viết nhiều nhất cũng là lúc work mình từ từ tiến bộ, chặt chẽ và dần lên hình hài rõ ràng hơn.

Ảnh một dãy lá cây màu xanh nằm ngay ngắn bên nhau.

2. ĐỌC

Từ một đứa lười đọc sách, khi bắt đầu thực hành phóng sự gia đình, mình lột xác và tìm đọc khá nhiều sách, bài luận hay đơn giản chỉ là một bài review, bài article chia sẻ những tips và tricks. Hiện 2 quyển mình đang nghiền ngẫm là hai quyển sách ảnh của Magnum Photos, cùng một file PDF của Alec Soth về cách thực hiện một dự án ảnh cá nhân.  

Nếu viết là cách mình “deliver out” suy nghĩ và cảm nhận, thì đọc là cách mình “take in” tư duy, mở rộng thế giới quan và làm mới những chiếc hộp suy nghĩ vốn khá khó lay chuyển của bản thân (mình là người khá nguyên tắc và cứng đầu. Ngạc nhiên chưa :))) Xem ảnh và phân tích nội dung, cách biểu đạt của nhiếp ảnh gia, nội dung của câu chuyện đằng sau cho mình rất nhiều cảm hứng. Và mình không chỉ đọc sách ảnh, mình đọc cả văn chương, e-books về kinh doanh, tâm lý học. 

Một quyển sách hay cũng như một người bạn tốt, quả là không sai.

Ảnh một chiếc bàn làm việc vào ban đêm, trên bàn có laptop, sách, một chai rượu và vài chiếc ly cùng với một chiếc đèn bàn.

3. TIẾP CẬN NHỮNG PHƯƠNG TIỆN MEDIA KHÁC

Thế giới đa phương tiện của chúng ta đã mở rộng, có thêm rất nhiều phương thức truyền thông mới ra đời, đi cùng với đó là cách con người sử dụng và linh hoạt thích ứng với khối lượng thông tin dày đặc hàng ngày. Có người chọn “skim” (lướt) nhanh qua, có người lại “skip” (lượt bỏ) hẳn để tránh không bị dội. 

Với bản thân mình, để duy trì sức sáng tạo, mình lựa chọn cách tiếp cận và tiếp nhận có chọn lọc với nguồn tài nguyên khổng lồ của Internet. Bên cạnh nhiếp ảnh, mình vẫn theo dõi về điện ảnh, âm nhạc và một chút nào đó là nghệ thuật hội hoạ, mỹ thuật, văn chương – mỗi thứ một chút, vừa vặn, đủ đầy. Mình tin rằng việc nhìn thêm bên ngoài chuyên môn và tìm cảm hứng từ những môn học hay loại hình tương đồng chính là cách nhanh nhất để loại bỏ sức ì và sự rập khuôn trong công việc, nhất là với dân sáng tạo thì điều đó càng cấp thiết nữa.

Ảnh một bức dương bản film analog được chiếu ngược sáng.

4. GẶP GỠ

Chúng ta sống trong những mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, không ai sống chỉ có một mình (trừ khi bắt buộc phải đơn độc để sinh tồn). Mình không phải là ngoại lệ. Việc gặp gỡ, mở rộng những kết nối với gia đình, khách hàng hay những người bạn, đồng nghiệp là chất keo kết dính các mảnh puzzle trong bức tranh sáng tạo của mình. Mỗi người ta gặp đều có điều gì đó thú vị để học hỏi, cũng như có một sứ mệnh gì đó để lại trong cuộc đời nhau. Và điều mình tâm đắc nhất trong công việc chính là việc tạo ra giá trị dựa trên nền tảng xây dựng một trải nghiệm thân quen, thoải mái – mà chính nhờ sự gặp gỡ kết nối là chìa khoá cho mình cơ hội thực hiện điều đó thật chu toàn.

Ảnh film cũ ngày xưa, một em bé trai đang cầm máy ảnh chụp một em bé gái nhỏ hơn đang ngồi trong một chiếc phao hình con thiên nga.

Lời kết: Cảm ơn bạn đã đọc blog hôm nay. Vẫn còn nhiều cách khác nhau để khai mở những cánh cửa sáng tạo trong mỗi con người. Trên đây là cách mình áp dụng cho công việc và phù hợp với tính cách của mình.

Còn bạn thì sao? Nếu có thể, hãy chia sẻ cùng mình nhé.

Thân mến! 

—————————————–
📸 Thong Vo Photography là “người kể chuyện Nhà” qua ảnh. Mình tin rằng mỗi gia đình đều có một câu chuyện độc đáo để kể, và sứ mệnh của Thong Vo Photography là giúp gia đình bạn khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cuộc sống hàng ngày qua những bức ảnh chân thật, tự nhiên và giàu cảm xúc.
Family Documentary Photography by @ ThongVo
☎️ Booking: 0946 787 970/ 0972 602 838
✉️ Email: thongvophotos@gmail.com