Trong những ngày đầu tiên chập chững tìm tòi về nhiếp ảnh phóng sự và kể chuyện qua ngôn ngữ hình ảnh, mình đọc qua quyển “Within the Frame: The Journey of Photographic Vision” bởi tác giả David Du Chemin – một cuốn ebook rất hay, đã giúp mình xây dựng tư duy và tầm nhìn cho Thong Vo Photography tới hôm nay.
Một trong những bài mình tâm đắc, được áp dụng trong thực tiễn làm việc chính là xây dựng sườn (framework) cho một bộ ảnh phóng sự. Với tính chất là chụp lại những sự kiện, sự vật sự việc một cách chân thật ngay tại thời điểm chúng xảy ra, ảnh phóng sự nói chung và ảnh phóng sự gia đình nói riêng cần một mạch truyện xuyên suốt để người xem hình dung được câu chuyện diễn biến ra làm sao. Người nhiếp ảnh gia sẽ cần một sườn bài đủ tốt, nôm nay như với văn viết thì gọi là “dàn ý” để khi tới nơi, bạn biết mình sẽ chụp gì trước, lấy gì sau, tránh gặp phải việc thấy gì chụp nấy và sau đó về nhà biên tập ảnh thì thiếu trước, hụt sau.
Nền tảng bất biến, vận dụng tuỳ biến. Mình xin chia sẻ cách mình xây dựng sườn bài chụp ảnh ngoại cảnh du lịch cho gia đình anh Lý – khách hàng đầu tiên trong 2021 của mình, nhân chuyến đi Đà Lạt của cả gia đình.
6 phân cảnh cần chụp để hoàn thiện “dàn ý” một bộ ảnh phóng sự gia đình.
1. The Establishing shot (Cảnh toàn)
Đây là shot ảnh cho người xem biết bối cảnh, địa điểm, hoàn cảnh của bộ ảnh. Mình và gia đình lựa chọn rừng thông Đà Lạt làm nơi thực hiện bộ ảnh, nên một tấm ảnh phong cảnh về rừng thông là thứ đầu tiên mình đưa vào trong câu chuyện.
2. The Medium shot (Cảnh trung)
Chiếm phần lớn tỉ trọng của bộ ảnh, đây là những bức ảnh mô tả hành động, hoạt động của các nhân vật. Người xem sẽ biết họ đang làm gì, tương tác với nhau như thế nào, cảm xúc ra làm sao.
3. The Detail Shot (Cảnh cận)
Những bức ảnh cận lột tả chi tiết và sâu hơn một số điều trong câu chuyện. Đó có thể là một chi tiết bạn thấy thích thú, những điều tưởng như nhỏ nhặt nhưng khi sắp vào tổng thể câu chuyện lại mang thêm cảm xúc cho người xem.
4. The Portrait (Chân dung):
Không thể thiếu một cảnh chân dung của nhân vật ngay tại nơi mà họ đang có mặt. Đây là bức ảnh rất có thể sẽ được in ra, nằm trang trọng trong không gian đẹp nhất của gia đình.
5. The Moment (Khoảnh khắc)
Với mình thì đây là cảnh gây phấn khích nhất cho người xem, và cũng là cảnh mà những tay máy phóng sự thi thố kĩ năng và kinh nghiệm nhiều nhất. Vì khoảnh khắc là những gì chỉ xảy ra trong tích tắc, đòi hỏi người chụp phải phán đoán, nhanh nhạy và đôi khi còn có chút may mắn nữa. Ảnh khoảnh khắc đẹp thường sẽ khiến người xem rất là “WOW! vì thích thú, buồn cười hoặc lắng đọng vì xúc động.
6. The Closer (Cảnh kết)
Một câu chuyện nào cũng cần có hồi kết – đẹp hay xấu xí, bi hay hỉ, kết thúc đóng hay mở thì cũng cần phải có gì đó để khép lại. Với bộ ảnh này, mình chọn cảnh cả gia đình nắm tay nhau rời rừng thông xanh, phía sau là ánh nắng chiều rực rỡ của Đà Lạt làm cảnh kết. Chắc chắn, cả nhà đã có một trải nghiệm đẹp tại đây, cùng một lời hứa sẽ quay lại khi bé đã cứng cáp sau này.
Lời kết:
Mỗi nhiếp ảnh gia sẽ có cách tiếp cận câu chuyện hoàn toàn khác nhau, cũng như framework này không phải là tiêu chuẩn cho tất cả thể loại ảnh phóng sự. Ảnh cưới đặc thù sẽ khác, ảnh báo chí lại khác, những project cá nhân lại mang tính chất chủ quan riêng của người nghệ sĩ – không ai giống ai cả. Bài viết này, mình mong muốn chia sẻ cách làm của mình khi chụp ảnh gia đình theo phong cách phóng sự, hi vọng góp thêm một phần nhỏ trải nghiệm đến với cộng đồng (cả người làm nghề và khách hàng).
Xin tạm dừng blog tại đây. Hẹn gặp lại mọi người ở những bài viết tiếp theo.
Thân mến!
Thong Vo Photography là “người kể chuyện Nhà” qua ảnh. Mình tin rằng mỗi gia đình đều có một câu chuyện độc đáo để kể, và sứ mệnh của Thong Vo Photography là giúp gia đình bạn khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cuộc sống hàng ngày qua những bức ảnh chân thật, tự nhiên và giàu cảm xúc.