Tương tác và kết nối – chắp cánh niềm vui của trẻ thơ.

Lược dịch từ bài viết gốc “Finding the time to connect” của nhiếp ảnh gia Anna Hardy. 

Hình ảnh thuộc về Thong Vo Photography.

———————————–
Gắn bó với con cái nhiều nhất có thể – cha mẹ nào lại chẳng muốn điều này? Nhưng cuộc sống gia đình thật vạn biến, tựa như không lúc nào hết công hết chuyện. Thành thật mà nói, đôi khi chúng ta còn không có thời gian để thở, chứ đừng nói đến việc thử làm điều gì đó mang tính “cách mạng”.

CHÚNG TA SỐNG CÙNG NHAU, NHƯNG CÓ THỰC SỰ GẮN KẾT?

Giống như bất kỳ bậc cha mẹ nào, tôi yêu thương con cái của mình và rất muốn gắn bó và kết nối với chúng nhiều nhất có thể. Nhưng nỗ lực để cố gắng đảm đương tròn vẹn hết mọi vai trò: sự nghiệp cá nhân, chăm lo gia đình và chăm sóc bản thân khiến tôi cảm thấy có những ngày, mình chỉ có thể tương tác với gia đình ở mức độ căn bản. Nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, đưa đón trẻ tới trường, dạy chúng học… Giống như chúng ta đang cùng tồn tại nhưng không thực sự kết nối vậy.

Rất nhiều bạn bè của tôi cũng như vậy. Chúng ta yêu thương và tận tâm với tổ ấm, nhưng cuối cùng lại mang phiền muộn trong lòng. Ta rất muốn dành thời gian để kết nối với con cái nhưng không biết tìm ở đâu. Tôi cảm thấy điều này là sự thiệt thòi với các con mình trong suốt những năm qua.

Ảnh chụp gia đình có Ba và con trai đang cùng nhau vẽ một bức tranh.

HÃY THẲNG THẮN: CHẤT LƯỢNG LUÔN TỐT HƠN SỐ LƯỢNG.

Điều tôi nhận ra sau vài năm là giá trị thực sự không nằm ở việc bạn dành cho họ bao nhiêu thời gian, mà là chất lượng của từng giờ phút bên nhau. Bạn không cần phải dành hàng giờ cho một  series những hoạt động cầu kì. Vào một ngày bất chợt nào đó, bạn có thể dành 10 phút, chỉ 10 phút thôi, hoàn toàn không sao nhãng. Miễn là bạn thật sự tập trung vào gia đình mình – chơi đùa hoặc trò chuyện, tương tác và âu yếm, chia sẻ những cảm xúc với trẻ… Vài tuần sau, trẻ em sẽ không nhớ rằng đó chỉ là 5 – 10 phút, lũ trẻ sẽ chỉ nhớ bạn đã khiến chúng cảm thấy đặc biệt đến thế nào, rằng trẻ thực sự rất thích ở bên bạn vào ngày hôm đó.

Rõ ràng là tôi không khuyên chúng ta chỉ dành có 5 – 10 phút mỗi ngày cho con cái. Dĩ nhiên, kịch bản lý tưởng nhất là càng có nhiều thời gian có cho các hoạt động có ý nghĩa với con cái của chúng ta, càng tốt. Tất cả chúng ta đều cố gắng dành thời gian cho các hoạt động dài hơi hơn, ví dụ như đi du lịch nước ngoài, đi chơi xa nhà, nghỉ lễ, v.v. Tuy thế, với nhiều bậc cha mẹ, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể cam kết thực hiện những điều này một cách thường xuyên. 

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Chúng ta cần tận dụng tốt những gì mình có, nhằm mang lại trải nghiệm sống có ý nghĩa và đáng nhớ cho mọi người. 

Ảnh chụp gia đình một bức tường có những dòng chữ hướng dẫn chăm sóc em bé.

TRẺ SẼ LUÔN NHỚ CÁCH BẠN LÀM CHO TRẺ CẢM THẤY ĐẶC BIỆT.

Cha mẹ tôi ly thân khi tôi bảy tuổi và vì vậy, tôi chỉ gặp mỗi cha mẹ trong một nửa thời gian. Cả hai người đều có công việc bận rộn và nhiều trách nhiệm. Gần như họ không thể dành cho anh trai tôi và tôi sự quan tâm trọn vẹn trong suốt thời gian chúng tôi ở bên họ. Đôi khi chúng tôi phải tự chơi trong khi họ giải quyết những chuyện cấp bách. Ngay cả như vậy, sợi dây kết nối giữa chúng tôi vẫn luôn hiện hữu.

Tuy nhiên, tôi không thể gần gũi hơn với cả hai người họ. Họ là những người bạn tốt nhất, những người hùng của tôi. Tôi thực sự không nhớ khoảng thời gian tôi dành riêng cho từng người, tôi chỉ nhớ khoảng thời gian tôi trải qua cùng nhau. Tôi nhớ mình luôn được yêu thương, rằng tôi đã có tuổi thơ  ắp tiếng cười, thứ niềm vui thuần khiết như rót mật – vô âu lo. Và tôi biết chắc chắn rằng nếu tôi cần, họ sẽ luôn ở ngay đó.

Thật may mắn vì đã có một ấu thơ hạnh phúc nhường nào. Số phút, giờ, ngày, tuần chúng tôi đã có với nhau là bao nhiêu, không còn quan trọng. Tôi chỉ biết họ luôn mang cho tôi sự an toàn và ấm áp nhường nào.

Ảnh chụp gia đình ngoại cảnh, có Ba Mẹ và em bé đang chơi trong rừng thông dưới ánh hoàng hôn.

NHỮNG YÊU THƯƠNG NHỎ NHẶT, VÀ THƯỜNG XUYÊN, LUÔN HIỆU NGHIỆM.

Với suy nghĩ của cha mẹ tôi, tôi quyết định ngừng tập trung vào việc tích lũy thời gian, thay vào đó sẽ tập trung vào tần suất và chất lượng của sự kết nối.

Bây giờ, tôi thực sự cố gắng tập trung vào cách tiếp cận ‘ít và thường xuyên’. “Hành động nhỏ – Ảnh hưởng to.” Các hoạt động và sự chia sẻ đơn giản sẽ mang cả gia đình lại gần nhau khi thời gian và nguồn lực có hạn. Tất nhiên, bất cứ khi nào chúng tôi có thể dành nhiều thời gian hơn cho nhau, điều đó thật tuyệt vời và tôi hoan nghênh điều đó. Nhưng tôi không dựa vào những kế hoạch to bự đó để gắn kết cả nhà với nhau nữa. Những yêu thương nhỏ nhặt cũng đủ để giữ lửa nhà luôn ấm nồng rồi.

Tất nhiên, tất cả chúng tôi vẫn hướng về nhau – chúng tôi là một đội mà! Tuy nhiên, không phải mọi lúc đều suông sẻ. Đôi khi những ý tưởng sẽ bị tào lao và kết thúc là không ai thật sự “chill” cả. Thành thật mà nói, lắm lúc tôi cũng mong mình “ngắt kết nối” và enjoy một mình lắm!

Ảnh chụp gia đình tại nhà, có Mẹ và em bé trai đang chơi đùa vỗ tay với nhau.

Nhưng cam kết duy trì những khoảnh khắc kết nối nhỏ thường xuyên đã tạo ra sự khác biệt lớn đối với tôi. Nó như câu thần chú mở ra một phép màu, khơi lên cảm giác gần gũi giữa tôi và lũ trẻ. Và tôi tin rằng điều đó cũng tạo ra sự khác biệt lớn đối với các con tôi. Đôi khi chúng sẽ kể một cách thực sự trìu mến khi nhớ về một kỉ niệm đáng yêu ngay trong dòng chảy đời sống thường ngày. Nó nhắc nhở tôi rằng những điều nhỏ nhặt lại thực sự quan trọng nhất như thế nào.

Ảnh chụp gia đình có Ba Mẹ và bé trai đang chơi cùng nhau tại khu vui chơi thiếu nhi.

Link bài viết gốc tại: https://annahardy.co.uk/finding-time-to-connect-with-your-kids/