Dư chấn Covid & trận chiến mới của người cao tuổi. Đừng để họ chiến đấu một mình!

Những gì các bạn sắp đọc là câu chuyện về chính gia đình của mình, của Mẹ mình trong suốt hơn 3 tuần giãn cách xã hội vừa qua. Mình chụp lại câu chuyện không phải với tâm thế của một nhiếp ảnh gia giới thiệu tác phẩm, mình chỉ đơn thuần muốn ghi nhận lại chân thật nhất một biến cố có ảnh hưởng sâu sắc tới gia đình mình, với vai trò là một người con.

Đợt dịch Covid thứ 4 này để lại những dư chấn thật khốc liệt cho toàn xã hội. Chúng ta thất nghiệp, ở nhà, những nhu cầu thiết yếu bị gián đoạn, những mối quan hệ kết nối bị đứt gãy, nhưng với người trẻ, chúng ta ít nhiều vẫn giữ được một tâm lý vững để đương đầu mọi thứ. Người lớn tuổi, không phải ai cũng có may mắn đó. Mẹ mình đã là một bệnh nhân của hội chứng rối loạn tâm lý giai đoạn giãn cách xã hội này.

Rối loạn nhịp sinh học, những cơn lo lắng bồn chồn xuyên suốt, tình trạng biến ăn và tâm lý đượm buồn xuyên suốt tới mức rất ít muốn giao tiếp với mọi người là những gì Mẹ mình đã trải qua gần 1 tháng rồi. Thậm chí một lời nói to hay một bài nhạc quá mạnh cũng đủ gieo một cơn mất ngủ đến với Mẹ. May mắn là Mẹ được thăm khám kịp thời trước khi lệnh lockdown dài hạn áp xuống. Thuốc men và sự quan tâm của cả nhà đã vực Mẹ lên được khỏi cơn trầm cảm, tuy nhiên để hồi phục hoàn toàn còn là một hành trình dài, mà mình tin rằng không thể sớm hơn khi đợt dịch này kết thúc.

Vậy điều gì khiến người lớn tuổi lo sợ đến vậy?

Người lớn tuổi quen được làm việc, quen phải suy nghĩ lo lắng cơm áo gạo tiền và quan trọng là lo gia đình. Đó là một hành trình mấy chục năm, là thói quen ăn sâu vào suy nghĩ. Dịch giã khiến những âu lo đó tăng lên, sự an toàn của con cái, cuộc sống công việc sẽ ra sao – tích luỹ lại thành một trạng thái căng cứng trong tâm thức, không thể xả ra được.

Sự đứt gãy đột ngột với những thói quen sinh hoạt quen thuộc tạo thành “lỗ hổng” trong tâm lý người già. Mẹ mình đã có tiền sử của bệnh tâm lý từ trước, nay lại không thể gặp gỡ bà con bạn bè, không thể đi tập thể dục, bị bao quanh bởi những tin tức tiêu cực. Lệnh dãn cách chỉ là giọt nước cuối cùng tràn ly, khiến bức tường hi vọng về cuộc sống bình an sụp trước mắt họ.

Ngoài ra thì bệnh nền cũng là một yếu tố khác tác động lên sức khoẻ tâm lý. Nếu người lớn tuổi đã có sẵn tiền sử về các bệnh người già như cao huyết áp, tiểu đường, cơ xương khớp, tim mạch… thì dĩ nhiên sự vận hành của cơ thể đã có trục trặc. Bệnh chồng bệnh càng khiến stress tăng cao.

Họ có một cuộc chiến không dễ dàng. Hãy ủng hộ và giúp đỡ họ.

Những bức ảnh bạn sắp xem là nỗ lực của gia đình dìu dắt Mẹ qua cơn khủng hoảng này. Trò chuyện, chơi game, tập thiền, thậm chí là hỗ trợ tắm rửa, thuốc men – Mẹ đều có cả nhà sẵn sàng bên cạnh. Là người cầm máy, mình ước gì có ai đó sẽ giúp chụp lại những giây phút mình bên cạnh Mẹ, tuy không có ảnh nhưng mình vẫn mãn nguyện vì đã không bỏ lỡ việc chụp cho chính gia đình mình.

Nếu gia đình bạn có người lớn tuổi, mình mong bạn hãy dành thêm thời gian quý báu bên họ trong mùa dịch này. Ông Bà, Cha Mẹ chúng ta đều có thể đang tham chiến trong cuộc chiến tâm lý này, có chăng là chúng ta nhận ra điều đó hay chưa mà thôi. Hãy trò chuyện với họ nhiều hơn, lắng nghe những lo lắng và tìm cách xoa dịu chúng bằng tất cả tình yêu, sự quan tâm của bạn. Chúng ta phần nhiều đang Work from Home, đang ở nhà – liệu còn lúc nào tốt hơn nữa để làm điều đó nữa chứ.

Mẹ mình vẫn sẽ tiếp tục liệu trình điều trị, mình rất biết ơn những suy nghĩ tốt đẹp của bạn dành đến gia đình mình. 

Mến chúc gia đình bạn an toàn và bình an vượt qua giai đoạn thử thách này. 

Thân mến 💜

—————————————–

📸 Thong Vo Photography là “người kể chuyện Nhà” qua ảnh. Mình tin rằng mỗi gia đình đều có một câu chuyện độc đáo để kể, và sứ mệnh của Thong Vo Photography là giúp gia đình bạn khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cuộc sống hàng ngày qua những bức ảnh chân thật, tự nhiên và giàu cảm xúc.

Family Documentary Photography by @ ThongVo
☎️ Booking: 0946 787 970/ 0972 602 838
✉️ Email: thongvophotos@gmail.com