“Thứ duy nhất không bao giờ thay đổi, chính là bản thân sự thay đổi” – triết gia Hy Lạp Heraclitus.
—————————–
Khi Ngoại mất vào mùa hạ năm 2014, tất cả những gì tôi còn giữ để nhớ về thời gian cuối của Bà là bức ảnh họp mặt gia đình với các mợ, dì trong nhà, mà chính tôi là người bấm máy.
Nói ra điều này với một niềm tiếc nuối lớn lao, rằng tôi đã không có một tấm ảnh nào chụp cùng với Bà trong suốt thời gian 2 3 năm ấy, mặc dù tôi đã thật sự thực hiện một bộ ảnh với Ngoại là chủ thể chính. Tôi ước gì có một bức ảnh selfie nào đấy lạc trong máy tính, hay một trong số những chiếc điện thoại cũ của mình. Sự thật thì không có tấm ảnh nào cả.
Chẳng có cách nào để quay ngược lại thời gian, vì vậy tôi chấp nhận không còn tự dằn vặt bản thân nữa. Nhưng bài học mà tôi học được chính là nếu chúng ta đã có đủ ảnh selfie, foodie, OOTD và cả những bức ảnh du lịch ngoạn mục, ta càng nên, và phải có nhiều hơn những bức ảnh về ông bà trong cuộc đời mình khi ta vẫn còn có thể. Những bức ảnh có ý nghĩa vượt ra ngoài ranh giới của một tấm hình gia đình “tất cả hãy nhìn vào máy ảnh và mỉm cười”.
Những bức ảnh có thể kể lại câu chuyện và di sản của thế hệ họ cho con cháu của chúng ta.
Vì sao Ông Bà thường không xuất hiện nhiều trong ảnh?
Khi chúng ta trưởng thành, có người yêu, tiến tới lập gia đình, có con cái, những chủ đề ấy trở thành trung tâm cuộc sống của chúng ta và lấp đầy thẻ nhớ của chúng ta mỗi khi có ý định lưu giữ lại những khoảnh khắc ý nghĩa.
Đi du lịch cùng người yêu: chụp ảnh selfie.
Tham dự sự kiện: chụp ảnh check-in Insta.
Đám cưới: chụp ảnh pre, ảnh phóng sự cưới.
Có baby: chụp ảnh bầu, ảnh sơ sinh, ảnh thôi nôi.
Không có gì sai với điều này, nhưng có bao giờ bạn dừng lại một chút và nghĩ về những người khác trong cuộc sống của bạn. Bao nhiêu lần bạn nhấc điện thoại lên để chụp ảnh bố mẹ, ông bà với một ý tưởng rõ rệt để phác hoạ họ? Ngày nay, hầu hết mọi người đều sở hữu một chiếc camera, cho dù đó là trên điện thoại hay một chiếc máy ảnh cao cấp. Thật tuyệt vời và đơn giản để ghi lại cuộc sống và chia sẻ với những người chúng ta yêu mến.
Tuy nhiên, vì nó đã trở nên dễ dàng như thế, chúng ta không NGHĨ nhiều về bức ảnh nữa. Chúng ta chụp nhanh mà không có mục đích và kết thúc với hàng nghìn bức hình thường sẽ vẫn còn nằm nguyên trên điện thoại, yên ắng và dễ bị lãng quên.
Một người Thầy tôi theo học, nhiếp ảnh gia Tyler Wirken từng nói rằng: “Khi ta chụp ảnh, ta không chụp cho những khách hàng ta phục vụ NGAY LÚC NÀY. Chính xác là ta chụp cho những người CHƯA XUẤT HIỆN – là con, cháu chắt của chúng ta, và gia đình của chúng, để chúng nhớ về và trân quý những di sản của tiền nhân.”
Đến đây, tôi tin rằng chúng ta đã có một lí do đủ thuyết phục để chụp những bức ảnh có chủ đích rõ ràng hơn, ý nghĩa hơn dành cho Ông Bà thương yêu.
1. Hãy chụp những bức ảnh nói lên điều gì về con người họ
Hãy chậm lại và quan sát. Nghĩ về những điều hoặc khoảnh khắc bạn mà bạn hay gia đình kết nối đặc biệt với Ông Bà.
Phút nghỉ ngơi? Nấu ăn? Pha trà? Đọc sách? Luôn có điều gì đó khác biệt ở người lớn tuổi mà bạn có thể chú ý, không chỉ vì thăng trầm cuộc sống khoác lên họ nét đẹp thời gian, mà thật sự khi gắn bó và quan tâm, bạn sẽ thấy họ bộc lộ những lớp cảm xúc chân thật tới không ngờ.
Hãy lưu tâm đến những khoảnh khắc nhỏ thực sự nói lên họ là ai. Những thứ họ yêu thích. Thói quen. Đồ vật. Ngay cả khi cảm thấy hơi kỳ lạ khi chụp ảnh ông bà mà chẳng vì lí do gì, thì điều đó cũng vẫn quan trọng. Bạn sẽ không cảm thấy hối tiếc vì có quá nhiều, hơn là chẳng có gì để nhớ về họ.
2. Hãy tìm những khoảnh khắc họ là chính họ.
Khi bạn đã nghĩ ra một hoặc hai khoảnh khắc hàng ngày mà bạn muốn chụp lại, hãy để ý đến nó vào lần tới khi bạn quan sát ông bà mình. Hãy tránh yêu cầu họ tạo dáng, mỉm cười và nhìn vào máy ảnh, vì điều đó sẽ phá vỡ câu chuyện, và kết quả là một bức ảnh trông không được tự nhiên.
Nếu khoảnh khắc bạn muốn ghi lại cần một nụ cười, một ánh mắt để trở nên trọn vẹn, hãy kiên nhẫn và chờ đợi nó. Chụp theo cách bắt khoảnh khắc không quá khó, nó chỉ đòi hỏi bạn thêm một chút kiên nhẫn mà thôi.
3. Hãy chụp những bức ảnh thể hiện sự gắn bó của Ông Bà và con cháu.
Bạn có bao nhiêu bức ảnh chụp khi còn nhỏ với ông bà? Những bức ảnh ghi lại điều gì và cảm xúc gì mà bạn và họ đã từng làm cùng nhau?
Ngay cả khi đã là một chàng trai trưởng thành, tôi tin rằng chúng ta vẫn là đứa cháu nhỏ bé bỏng trong suy nghĩ của ông bà.
Tôi vẫn nhớ về buổi chụp tại nhà bạn Kim năm 2015, chung cư Nguyễn Thiên Thuật nơi bạn sống cùng Ngoại và Mẹ. Dù chỉ là một buổi chụp xây dựng portfolio ngắn ngủi, mỗi frame ảnh thu được là từng trang cảm xúc rành mạch, thân thuộc về tình bà cháu. Cử chỉ, cái nắm tay, ánh mắt của Ngoại dành cho Kim hàm chứa tình thương thuần khiết nhất mà một người có thể mong cầu có được trong cuộc sống của mình.
Hãy bắt đầu bằng cách quan sát thời điểm ông bà và con cháu đang chia sẻ một khoảnh khắc. Tìm kiếm những chi tiết nhỏ về tình yêu của họ dành cho nhau. Nếu bạn không thể “bắt” được ngay lần đầu tiên, hãy luôn sẵn sàng cho lần tiếp theo. Nó sẽ đến, cam kết luôn!
4. Hãy chụp lại những mối quan hệ thân tình của người già.
Người lớn tuổi không chỉ tìm niềm vui ở con cháu, họ còn có bạn bè – những người bạn già tâm giao mà họ gặp tại những hội nhóm, tình cờ trên đường tập thể dục, hay kết thân từ sự giới thiệu làm quen của những người họ hàng khác.
Chắc hẳn bạn không xa lạ nếu có ông bà từng tham dự hội người cao tuổi và hoạt động cực sôi nổi. Sự thật thì chúng ta dù ở lứa tuổi nào, những kết nối xã hội lành mạnh luôn cần thiết cho tâm trí khỏe khoắn, tích cực. Vì vậy, nếu ông bà có một người bạn ghé thăm nhà, hãy chụp một bức ảnh cho họ. Chúng ta có selfie để gửi cho nhau, người già không có. Hãy trao cho họ món quà ấy, thêm gia vị là tình cảm của bạn vào để niềm vui thêm lan toả nhé.
5. Chụp ít lại, nhưng ý tưởng rõ ràng hơn.
Nhiếp ảnh nói chung và một chiếc máy ảnh nói riêng, từng là một loại hình nghệ thuật xa xỉ. Ngay cả chủ nhân của những chiếc máy ảnh tân kỳ nhất như Leica hay Hasselbald cũng không chụp mọi thứ. Họ cẩn thận và kĩ tính hơn đối với mỗi bức ảnh chụp, bởi vì mỗi khung hình đều có một mức giá trên đó.
Thế giới kĩ thuật số ngày này cho phép ta chụp không giới hạn, nhưng đồng thời lại khiến ta ít chú tâm hơn vào ý nghĩa của mỗi lần bấm máy. Ranh giới giữa khoảnh khắc “đẹp” và khoảnh khắc “để lại ý nghĩa sâu sắc” đôi khi chỉ là điều kì diệu tính bằng mili giây – vâng, là ms. Nếu chúng ta không tiếp cận khung hình với một ý tưởng rõ ràng hơn, khả năng cao là chúng ta vuột mất món quà ấy rồi.
Nhìn vào những bức ảnh từ cuốn album gia đình, những kỷ niệm gì chúng gợi lên, tác động của chúng đến cuộc sống ngày hôm nay của bạn. Suy ngẫm về chúng. Bạn có thể học được điều gì từ những khung ảnh đang treo trên tường kia, và bạn sẽ đặt tiếp bức ảnh gì kế bên để kể tiếp di sản của nhà mình?
Bạn thích điều gì nhất từ những bức ảnh? Con bạn thích điều gì nhất? Còn ông bà thì sao? Có bức ảnh nào bạn ước gì bạn đã phải có không? Bạn muốn xem thêm điều gì?
Hy vọng những câu hỏi trên sẽ khơi gợi ý tưởng cho những bức ảnh gia đình ý nghĩa trong tương lai.
Chụp những bức ảnh ý nghĩa về ông bà không nhất thiết là bạn dành hết thời gian sau máy ảnh. Những bức ảnh không nhất thiết phải hoàn hảo để trở nên quý giá. Hãy dành thời gian chất lượng nhất cho gia đình, bên ông bà cha mẹ. Bức ảnh đẹp nhất chính là bức ảnh chụp bằng mắt và được lưu giữ trang trọng trong kí ức mỗi người.
Cảm ơn bạn đã đọc blog rất dài hôm nay. Chúc mọi người bình an tiếp tục vượt qua những ngày lockdown còn lại của Sài Gòn. Hẹn gặp bạn sớm nhất vào ngày thành phố trở lại xanh tươi.
Thân mến!
Thong Vo Photography là “người kể chuyện Nhà” qua ảnh. Mình tin rằng mỗi gia đình đều có một câu chuyện độc đáo để kể, và sứ mệnh của Thong Vo Photography là giúp gia đình bạn khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cuộc sống hàng ngày qua những bức ảnh chân thật, tự nhiên và giàu cảm xúc.


