Chụp ảnh gia đình và trẻ em – độ tuổi nào là thích hợp? (Phần 1)

Dịch từ bài viết “What age is it best to photograph your baby or child?” bởi tác giả Anna Hardy.

Hình ảnh trong bài thuộc về Thong Vo Photography.

————
Tôi nhận được vài câu hỏi từ các bậc phụ huynh rằng tuổi nào ok nhất để thực hiện một bộ ảnh lưu niệm cho em bé của họ. Thú thật thì “Bộ óc kinh doanh” tàn nhẫn của tôi muốn nói: “Cũng nhiều dịp đó anh chị ơi 🙂 Cứ 3 tháng một lần, kể từ khi bé vừa sinh đến khi cháu tròn 18 tuổi… và tốt nhất là anh chị cứ “chọn mặt gửi vàng” nơi em chụp cho gia đình anh chị. Hãy đăng ký trọn gói nhé!”

May mắn cho khách hàng của tôi, tôi chưa bao giờ phát triển bản thân thành một ‘Bộ não kinh doanh’ tàn nhẫn cả. Vì vậy, thay vào đó tôi sẽ cố gắng cung cấp cho bạn những chia sẻ trung thực và tips hữu ích mà có thể sẽ giúp được cho gia đình bạn.

VẬY THÌ TUỔI NÀO LÀ TỐT NHẤT?

Hầu hết các gia đình sẽ thích có một nhiếp ảnh gia ghi nhận lại từng cột mốc nhỏ của gia đình họ một cách đẹp đẽ, tự nhiên và giàu cảm xúc. Tuy nhiên, thực tế là hầu hết các gia đình đều phải đắn đo khi chọn dịch vụ của một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Vì vậy, câu hỏi mà tôi nhận được rất nhiều là, độ tuổi nào là tốt nhất để thực hiện một album ảnh trẻ em?

Không có câu trả lời đơn giản cho điều này vì mỗi gia đình đều khác nhau, mỗi đứa trẻ đều khác nhau và ở độ tuổi khác nhau sẽ có những “điểm đáng nhớ” riêng biệt. Nói chung, bạn có thể chụp ảnh trẻ nhiều trong năm đầu tiên và mỗi lần sẽ nhận được kết quả rất khác nhau, vì các bé chưa đầy năm sẽ thay đổi rất nhanh ở độ tuổi này, mỗi ngày trôi qua đã khác thêm một chút rồi.

Sau một tuổi, cá nhân tôi không thấy hữu ích khi thuê nhiếp ảnh gia chụp trẻ em nhiều hơn một lần một năm. Sau bốn tuổi, có lẽ cứ sau vài năm hoặc chỉ chụp vào những dịp thật đặc biệt, vì những thay đổi ở trẻ sẽ chậm hơn rất nhiều. Nhưng tất nhiên, không có vấn đề gì nếu bạn muốn chụp ảnh thường xuyên. Những kỷ niệm quý báu là thứ tài sản vô giá, và không có giới hạn về bao nhiêu lần bạn có thể tạo ra những kỷ niệm này.

BẠN SẼ KHÔNG BAO GIỜ TIẾC VÌ CHỤP QUÁ NHIỀU ẢNH, NHƯNG BẠN HẲN SẼ TIẾC NUỐI VÌ ĐÃ KHÔNG CHỤP ĐỦ NHIỀU.

Là một người mẹ, tôi không bao giờ cảm thấy mình có đủ nhiều  ảnh tuyệt vời về con mình, vì tôi biết rằng chúng lớn rất nhanh và mọi độ tuổi đều có những thay đổi chóng mặt. Ngoài ý kiến cá nhân với tư cách là một nhiếp ảnh gia, tôi muốn nói rằng hãy chụp ảnh con bạn thường xuyên nếu có thể – cho dù bằng smartphone hay qua máy ảnh chuyên nghiệp. Bạn sẽ không bao giờ hối tiếc khi có quá nhiều bức ảnh tuyệt vời của những đứa trẻ.

Ngoài ra, bạn có thể có rất nhiều ảnh của con… Nhưng liệu có bao nhiêu bức ảnh có mặt bạn với chúng hoặc cả gia đình chụp cùng nhau? Những bức tranh này sẽ trở thành một trong những tài sản quý giá nhất mà bạn sở hữu, một di sản sẽ được lưu truyền qua nhiều thế hệ trong gia đình bạn một cách vui vẻ, đáng nhớ.

Sẽ có những lợi ích khác nhau khi chụp ảnh gia đình ở từng giai đoạn khác nhau, và mỗi giai đoạn sẽ mang đến những kiểu ảnh khác nhau. Tôi sẽ trình bày sơ lược về những điều này bên dưới để bạn có thể cân nhắc dựa trên sở thích cá nhân và hoàn cảnh gia đình. Tôi cũng sẽ giải thích qua cách cá nhân tôi tiếp cận từng giai đoạn trong phạm trù nhiếp ảnh gia đình để có được những kết quả tôi cảm thấy là tốt nhất. Nào chúng ta cùng xem qua nhé!

CHỤP ẢNH BẦU (TRONG THAI KÌ TỪ 32 – 37 TUẦN)

Đối với nhiều phụ nữ và bạn đời của họ, mang thai là một khoảng thời gian vô cùng đặc biệt – đầy phấn khích, mong đợi và vui sướng, đan xen cả những âu lo, hồi hộp. Vì vậy, một buổi chụp ảnh bầu thực sự quan trọng với họ như một cách để ghi nhớ và nắm giữ tất cả những trải nghiệm này. Cá nhân tôi thấy phụ nữ mang thai rất đẹp và hoàn toàn quyến rũ để chụp ảnh. Có điều gì đó thật thôi thúc khi nhìn vào chiếc túi kén tuyệt vời đó và nghĩ về sinh linh bé bỏng đang phát triển bên trong nó và tự hỏi đó sẽ trở thành gì. Đây cũng thường là khoảng thời gian rất đặc biệt giữa hai vợ chồng, sự phấn khích và mối quan hệ mới tìm thấy giữa hai vợ chồng là rất hữu hình – cách họ nhìn nhau thật kỳ diệu.

Cá nhân mình, tôi thích giữ cho các bức hình bầu thật sự tự nhiên. Tôi không phải là người yêu thích những tư thế thô sượng và mặc những mảnh vải ngẫu nhiên trên chiếc bụng trần. Đối với tôi, phụ nữ mang thai đẹp vô cùng, và đó là điều tôi muốn ghi lại. Tôi thích để các Mẹ bầu mặc quần áo riêng, ở tư thế thoải mái và tự nhiên và trong không gian quen thuộc như tại nhà họ. 

Ảnh chân dung chụp mẹ bầu đứng bên cửa sổ.

BUỔI CHỤP NHƯ THẾ NÀO?

Tôi thấy thường hiệu quả nhất là dành nửa đầu của buổi chụp với Mẹ bầu ở ngoài trời, với chồng con của họ nếu họ muốn tham gia (hầu hết đều sẵn lòng nhưng đôi khi các cặp đôi chọn chỉ tập trung vào người phụ nữ). Phần này, tôi coi như chụp một bức ảnh chân dung bình thường – không thực sự tập trung vào chiếc bầu, chỉ tập trung vào chính cặp đôi. Sau đó, chúng tôi thường hoàn thành buổi chụp tại nhà của cặp đôi để tập trung hơn vào phần bụng bầu và thêm một số bức ảnh thân mật hơn nếu họ muốn. Chúng tôi tận dụng ánh sáng tự nhiên và background thân thuộc trong nhà riêng của cặp đôi. Tôi nghĩ cũng rất tuyệt nếu ghi lại những kỷ niệm này ở nơi sẽ là ngôi nhà đầu tiên của em bé.

Về thời gian, tôi thường khuyên nên chụp từ 32 đến 37 thai tuần nếu có thể, vừa để bầu vừa to tròn, nhưng các quý cô vẫn linh hoạt, năng động, tràn đầy năng lượng và hạn chế những rủi ro đến cháu bé. Tôi cũng đã từng thực hiện các buổi chụp bầu ở thai tuần thứ 40 và các bà mẹ vẫn cảm thấy và trông rất tuyệt. Miễn là họ cảm thấy thực sự thoải mái và hạnh phúc, thì không có vấn đề gì khi chụp ảnh sau 37 tuần nếu các Mẹ bầu vẫn cảm thấy ok.

CHỤP ẢNH TRẺ SƠ SINH (0 – 4 TUẦN)

Không có gì khiến chúng ta kinh ngạc như một đứa trẻ sơ sinh. Chân tay bé bỏng, đôi mắt ngái ngủ, những ngón tay và ngón chân nhăn nheo nhỏ xíu, làn da mỏng như làn giấy… Tinh tế, mơ hồ và tí hon, những tình yêu bé bỏng xinh đẹp này được tạo ra để chinh phục ngay cả những người trái tim sắt đá nhất của chúng ta .

Nếu bạn muốn nắm bắt thời gian vàng để chụp những bức ảnh “sơ sinh” trước khi em bé bắt đầu cựa quậy nhiều hơn, ngủ ít hơn và tỉnh táo hơn, bạn cần thực hiện buổi chụp lý tưởng nhất là trong vòng 2 tuần đầu tiên sau khi em bé chào đời. Tuy nhiên, vẫn ok để chụp sau 2 – 4 tuần vì nhiều em bé vẫn còn tương đối ngủ nhiều và “ngoan” trong phần lớn thời gian trong ngày tại thời điểm này. Nhiều Mom vẫn đặt lịch chụp newborn cùng dịp với buổi chụp bầu của họ.

BUỔI CHỤP NHƯ THẾ NÀO?

Một lần nữa, tôi muốn những  nghiệm này diễn ra tự nhiên hơn. Một số nhiếp ảnh gia chụp ảnh trẻ sơ sinh thích “tạo dáng” cho trẻ ở những tư thế cụ thể hoặc mặc/sắp xếp cho chúng bằng các đạo cụ hoặc trang phục dễ thương. Cá nhân tôi nghĩ trẻ sơ sinh tự chúng đã đủ đáng yêu và không cần bất kỳ trang sức nào ngoài nét riêng của chúng. Với tư cách là một người mẹ, tôi muốn nhớ đến em bé vừa chào đời của mình một cách nguyên bản, trong chính mái ấm thân yêu của nó.

Tôi không đặc biệt hào hứng với những đạo cụ hoặc bối cảnh chung chung do nhiếp ảnh gia sắp dựng lên và không có bất kỳ mối liên hệ nào với chính em bé. (Cũng có nhiều người thích những bức ảnh như thế này và có một số nhiếp ảnh gia rất tài năng với cách tiếp cận này – Tôi chỉ không phải là một trong số họ.) Tôi có xu hướng sử dụng “đạo cụ” từ nhà riêng của gia đình – những chiếc chăn em bé yêu thích của họ, giường của họ hoặc giường riêng của em bé, và tất nhiên là sự tham gia của chính Cha Mẹ – một phần không thể thiếu và cực kì quan trọng trong cuộc sống ‘thực’ của em bé và gia đình họ.

Đối với nhiếp ảnh sơ sinh, trẻ sẽ luôn ở trong nhà – vì chúng chưa được di chuyển và cần được giữ ấm nên rất ít ai đưa trẻ ra ngoài ở độ tuổi này. Trẻ sơ sinh cũng sẽ chủ yếu ngủ suốt. Các bức ảnh sẽ chủ yếu tập trung vào bản thân em bé – những chi tiết nhỏ, xinh xắn về cơ thể như tay, chân, môi, miệng, lông mi và khuôn mặt bé. Tất nhiên, sẽ có rất nhiều âu yếm, những cái ôm, vuốt ve và nâng niu thương yêu từ Bố Mẹ.

Có nhiều cách chụp hình khác nhau bằng cách chụp em bé được quấn khăn, hoặc mặc quần áo bình thường, hoặc khỏa thân một phần nếu cha mẹ muốn kiểu này. Thậm chí những khoảnh khắc riêng tư và thiêng liêng như lúc cho bé bú cũng là một chất liệu sáng tác tuyệt vời cho bộ ảnh thêm ý nghĩa.

————————
(Mời các bạn đón đọc phần tiếp theo tại blog sau)

Link bài viết gốc: https://annahardy.co.uk/age-best-photograph-baby-child/