Nhân tuần rồi mình thực hiện một bộ ảnh gia đình tại trung tâm Sài Gòn, lần này lại hơi khác xí với cách thực hành trước giờ nên bữa nay cũng thử viết một bài blog chia sẻ về các phong cách chụp ảnh gia đình mà mình có tìm hiểu và đã từng bấm máy. Mời bạn đọc tham khảo nhé.
𝟏. Lifestyle photography (Chụp ảnh phong cách tạp chí)
Đặc điểm của style này là những bức ảnh sẽ trông như chúng được chụp cho một tờ báo hay tạp chí phong cách sống. Tinh thần và cách thể hiện trong ảnh phần lớn sẽ tôn lên những nét đẹp, khía cạnh tươi sáng, tích cực và giàu chất nghệ thuật của nhân vật. Lifestyle Photography sẽ thiên về posing/tạo dáng nhằm cho ra những shot ảnh đẹp mắt, background và ánh sáng cũng thường được lựa chọn kĩ càng để làm cho nhân vật “toả sáng” nhất.
Chụp ảnh gia đình kiểu lifestyle phù hợp với gia đình có mong muốn rõ ràng rằng ảnh ra cần phải đẹp, nghệ thuật và thể hiện được “mặt tươi sáng” của cuộc sống. Nhiếp ảnh gia có toàn quyền can thiệp vào hầu hết mọi công đoạn để đạt được mục tiêu đó.
𝟐. Family photojournalism (Ảnh gia đình phong cách báo chí)
Style này thì khác gần như 180 độ với Lifestyle, dựa trên nguyên tắc cốt tử của các nhà báo đó là tôn trọng sự thật và phản ánh không gì khác ngoài sự thật trong bộ ảnh của mình. Do đó, nếu bạn chọn một nhiếp ảnh gia chụp style báo chí, có nghĩa rằng bạn yêu cầu bộ ảnh có độ chân thật rất cao, và bạn không ngần ngại show ra cả những điều bừa bộn, những mặt không hề hào nhoáng của cuộc sống thật để có được bộ ảnh có giá trị, mình ví von nôm na, như là quyển sách sử của gia đình.
Nhiếp ảnh gia chụp photojournalism chân chính sẽ hoàn toàn không can thiệp vào bất cứ điều gì trước mắt họ. Không điều chỉnh ánh sáng, không vén màn kéo rèm, dọn đồ đạc lộn xộn, không yêu cầu bạn đứng thế này ngồi thế kia, cũng không đặt một ý kiến chủ quan cá nhân nào vào buổi chụp. Nhiệm vụ duy nhất của họ là quan sát, rồi dùng kĩ năng nhiếp ảnh ghi nhận lại sự kiện như một event.
𝟑. Family Documentary (Ảnh tư liệu gia đình)
Style family documentary cũng có nét tương đồng với photojournalism ở chỗ nhiếp ảnh gia và nhân vật đều có mong muốn chụp lại và ghi nhận sự thật. Tuy nhiên, với ảnh tư liệu, đôi khi nhiếp ảnh gia sẽ gửi gắm cảm xúc, suy nghĩ hay trải nghiệm cá nhân vào việc bấm máy. Đôi khi, một dự án tư liệu xuất phát từ một câu hỏi, một điều trăn trở hay một ý kiến nào đó mà nhiếp ảnh gia và nhân vật mong muốn tìm câu trả lời thông qua ảnh.
Family Documentary, vì thế, là thể loại khó hơn cả trong cả ba style mình viết trong bài này. Có những bộ ảnh thực hiện trong vài năm, cho tới vài chục năm. Cách trình bày của style documentary thường sẽ là ảnh bộ (từ 10 – 15 ảnh trở lên). Nhiếp ảnh gia có thể can thiệp tương đối vào bộ ảnh, nhưng không phải để bóp méo sự thật và thay đổi câu chuyện, mà để thể hiện tốt hơn ý tưởng của mình.
Ngoài ra thì có những thể loại ảnh gia đình khác nữa, như studio concept, minimalism, fine art portrait… mà nhiều nhiếp ảnh gia tài năng khác đang thực hành, riêng mình thì thực hành chính vẫn là 3 thể loại trên. Hi vọng bài viết gợi ý thêm cho bạn những lựa chọn nhiếp ảnh thú vị mới.